• VỀ HOÀI NHƠN

VỀ HOÀI NHƠN

Theo lịch sử, Hoài Nhơn có từ thời vua Lê Thánh Tôn (1470). Hoài Nhơn lúc mới hình thành gồm 3 huyện: Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn, bao trùm cả vùng đất Bình Định rộng lớn. Như vậy, địa danh Hoài Nhơn đã có bề dày lịch sử trên 500 năm. Ngày nay, thị xã Hoài Nhơn thu hẹp nằm ở phía Bắc tỉnh Bình Định, giáp ranh với huyện Đức Phổ tỉnh Quảng Ngãi. 

Đặc biệt, phía Đông thị xã Hoài Nhơn tiếp giáp biển nên vùng đất này cũng là nơi phát triển mạnh về nghề cá; nhất là nghề câu cá ngừ đại dương. Hoài Nhơn ngày nay tuy  diện tích không rộng, nhưng địa lý đa dạng có đồng bằng, trung du, ven biển và thị trấn Bồng Sơn sầm uất. 

Bên cạnh, có Quốc lộ 1A và đường sắt chạy song song qua địa phận thị xã, xuyên suốt chiều dài Bắc-Nam, với hơn 29km. Từ Bồng Sơn lên Hoài Ân và An Lão có đường liên huyện. Ngoài ra, để cải thiện đời sống cư dân vùng sát biển, Hoài Nhơn đã mở thêm đường DT 639 nối từ Tam Quan Bắc qua Hoài Hương và dài chạy vào Quy Nhơn.

Thị xã Hoài Nhơn cách TP Quy Nhơn 90km; cách sân bay Phù Cát hơn 60 km. Cửa ngõ phía Bắc thị xã Hoài Nhơn là Sa Huỳnh (Đức Phổ, Quảng Ngãi), có bãi biển cát vàng tuyệt đẹp đang phát triển mạnh về du lịch biển. Trong khi, vùng ven biển Hoài Nhơn nối từ Sa Huỳnh vào phía Nam, bãi biển đẹp không kém, lại có cửa biển Tam Quan, nổi tiếng là “thủ phủ” của nghề câu cá ngừ đại dương. 

Và, xứ dừa Tam Quan của Hoài Nhơn cũng đã đi vào thơ ca, nhạc, họa: “Công đâu, công uổng, công thừa. Công đâu gánh nước tưới dừa Tam Quan”. Đến Bình Định mà chưa thưởng thức đặc sản dừa Tam Quan, xem như du khách đã uổng phí một chuyến đi. Không như dừa miền Nam, trái dừa Tam Quan khá to, lại nhiều nước; nước dừa có vị ngọt thanh, sẽ làm đã cơn khát cho lữ khách trên hành trình ngược Bắc, xuôi Nam; nhất là vào mùa hè nắng nóng. 

Theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, thị xã Hoài Nhơn có tổng diện tích 420,84km2. Trong đó, khu vực nội thị bao gồm 2 thị trấn Bồng Sơn và Tam Quan; 9 xã: Hoài Thanh, Hoài Thanh Tây, Tam Quan Nam, Tam Quan Bắc, Hoài Hảo, Hoài Tân, Hoài Hương, Hoài Xuân và Hoài Đức. Khu vực ngoại vi dự kiến 6 xã: Hoài Sơn, Hoài Châu, Hoài Châu Bắc, Hoài Phú, Hoài Mỹ và Hoài Hải…dân số của Hoài Nhơn hơn 212 nghìn người; trong đó, khu vực nội thị được tính cho 11 phường khoảng 155 nghìn người và dân số ngoại thị trên 57 nghìn theo định hướng quy hoạch chung được phê duyệt. Đến năm 2035, đô thị Hoài Nhơn sẽ phát triển theo 4 khu vực. 

Trong đó, khu vực 1 phát triển đô thị trung tâm Bồng Sơn (gồm thị trấn Bồng Sơn và các xã Hoài Xuân, Hoài Tân, Hoài Đức), là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, dịch vụ thương mại… Đây cũng chính là trung tâm hành chính – chính trị của thị xã Hoài Nhơn. Khu vực 2, phát triển thị trấn Tam Quan và các xã Tam Quan Bắc, Tam Quan Nam, Hoài Hảo trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ cảng biển, neo đậu tàu thuyền, dịch vụ du lịch. 

Còn trung tâm thương mại dịch vụ kết hợp du lịch văn hóa lịch sử và phát triển khu ở mới Hoài Thanh Tây là khu vực 3 và khu vực 4 là trung tâm du lịch, dịch vụ thương mại và khu ở mới xã Hoài Hương. Để phát triển đô thị Hoài Nhơn trong tương lai, thị xã đã có đề án cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật về giao thông; hệ thống cấp, thoát nước; cấp điện; xây dựng các khu dân cư mới…

Cụ thể như, về giao thông sẽ cải tạo kết hợp xây dựng mới mạng lưới đường bộ hoàn chỉnh và liên thông tăng cường kết nối liên thị, liên vùng và cả nước, phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông quốc gia, vùng và tỉnh Bình Định. Bao gồm, xây dựng mới các tuyến đường cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn dự kiến sẽ khởi công cuối năm 2022. Cải tạo nâng cấp tuyến QL1 thành trục chính kết nối tất cả các khu chức năng, tạo động lực phát triển đô thị. Nâng cấp kết hợp xây dựng mới tuyến đường ven biển (ĐT.639), quy mô đường cấp III đồng bằng. Cải tạo nâng cấp đường Tây tỉnh (ĐT638) đạt tiêu chuẩn đường cấp V, kết nối vùng cho các xã phía Tây thị xã và với các huyện phía Tây tỉnh Bình Định, phục vụ phát triển kinh tế và dịch vụ du lịch. Cải tạo nâng cấp kết hợp xây dựng mới tuyến kết nối từ đường cao tốc Bắc Nam tại nút giao phía Bắc thị xã đi huyện An Lão nối với QL24 đi Tây Nguyên qua huyện Kon Plông tỉnh Kon Tum… 

Đối với đường thủy, tập trung phát triển cảng cá, khu neo đậu tạo động lực khai thác tiềm năng phát triển kinh tế biển. Đồng thời khai thác hiệu quả tuyến đường sắt quốc gia phù hợp với các giai đoạn đầu tư cải tạo nâng cấp hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc – Nam (theo quy hoạch ngành) phục vụ phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bình Định nói chung và của đô thị Hoài Nhơn nói riêng. Cải tạo nâng cấp các ga Bồng Sơn và Tam Quan.; xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao, đoạn chạy qua tỉnh Bình Định dài 115,0km. Đặc biệt, xây dựng các trung tâm tiếp vận hàng hóa và hành khách giữa các phương thức vận tải: khu vực ga Bồng Sơn, Tam Quan chuyển tải đường bộ và đường sắt; trung tâm tiếp vận – Logistic cảng cá, bến đường thủy Tam Quan chuyển tải đường thủy và đường bộ… 

Có thể nói, việc hình phát triển đô thị Hoài Nhơn được Chính quyền và nhân dân Hoài Nhơn cùng đồng thuận, tạo điều kiện tối ưu cho các nhà đầu tư để chung tay xây dựng thị xã Hoài Nhơn phát triển bền vững. 

Giai đoạn trước mắt tập trung ưu tiên các nguồn lực để chỉnh trang đô thị hiện hữu, đầu tư các khu đô thị mới và hạ tầng đô thị còn thiếu để đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị và hoàn thiện đô thị loại IV. Từ đó, làm cơ sở đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật khung, hạ tầng xã hội cấp đô thị theo các tiêu chuẩn của đô thị loại III.

0968 586 120
0968586120